Thông tin về cây sâm ngọc linh – nhân sâm của người Việt
Sâm Ngọc Linh được xếp vào top 5 loại nhân sâm tốt nhất trên thế giới hiện nay, được đồng bào dân tộc thiểu số phát hiện và sử dụng từ nhiều năm về trước.
- Tên: Sâm Ngọc Linh
- Các tên gọi khác: Sâm Ngọc Lĩnh, Sâm Việt Nam, củ Ngải rọm con, sâm khu 5 (sâm K5), sâm Trúc, cây thuốc giấu
- Danh pháp khoa học: Panax Vietnamensis
- Thuộc họ Cuồng cuồng – Araliaceae
Sâm Ngọc Linh là gì và nguồn gốc của sâm quý
Từ nhiều năm về trước, trước cả khi các nhà khoa học phát hiện ra thì sâm Ngọc Linh đã được đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng sử dụng như một loại củ rừng. Đối với họ, đây là báu vật bồi bổ và chữa bệnh, được đặt tên là củ Ngải Rọm con hay cây Thuốc Giấu.
Tiếng lành đồn xa, vào năm 1973, một đội cán bộ của khu y tế Trung Trung Bộ đã lên đường đến chân núi Ngọc Linh (Đăk Tô – Kon Tum) để tìm hiểu về cây thuốc quý nhằm phục vụ cho mục đích chiến tranh.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, vào 19/03/1973 đoàn cán bộ đã phát hiện 2 cá thể đầu tiên và chiều cùng ngày đã tìm ra cả một vùng sâm rộng lớn, trải dài ở núi Ngọc Linh. Bước đầu nhận định đây là loại sâm mới, đặc biệt quý hiếm và chưa từng xuất hiện trên thế giới, sinh sống tại chân núi Ngọc Linh, nơi có độ cao trên 1.800m so với mực nước biển. Chính bởi nguồn gốc như thế mà loại sâm này được đặt tên là sâm Ngọc Linh.
Đến năm 1978, một tổ công tác thứ hai tiếp tục hành trình nghiên cứu, có nhiệm vụ đánh giá ước lượng sơ bộ diện tích sâm tại núi Ngọc Linh. Kết quả, phát hiện ra một vùng sâm rộng lớn tới hàng chục kilomet, trữ lượng ước tính 7000 cây. Những phát hiện này được ghi nhận có giá trị vô cùng to lớn cho nước nhà.
Năm 1984, Sâm Ngọc Linh chính thức được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và danh mục cây thuốc cần được bảo tồn do số lượng cá thể đang ngày càng khan hiếm.
Đặc điểm và hình dáng sâm Ngọc Linh
Cây Sâm Ngọc Linh thích ứng và sinh trưởng hoàn toàn trong môi trường tự nhiên, có những đặc điểm rất đặc biệt và dễ nhận biết.
Dưới đây là đặc điểm mô tả thực vật của cây sâm quý này:
- Cây sống lâu năm, thân khí sinh mọc thẳng đứng hướng lên trên, cao khoảng 40 – 100cm. Cây có màu tím hoặc màu xanh lục, thân nhỏ, đường kính thân khoảng 4mm và có nhiều nhánh khác nhau.
- Hình dáng sâm Ngọc Linh khá giống với nhân sâm Triều Tiên, khác nhau ở chỗ thân cây có nhiều sẹo và đốt dài 0.5 -0.7cm, mỗi đốt tương ứng 1 lá, rất giống đốt ở cây trúc nên có nơi nhiều nơi gọi là cây Sâm Trúc.
- Rễ mọc bò ngang trên hoặc dưới mặt đất, đường kính khoảng 1 – 2cm, nhiều rễ nhánh con và củ.
- Mỗi thân mang lá là một đốt, lá trên đỉnh thân là lá kép hình chân vịt với 3 – 5 nhánh lá, có cuống dài 6 – 12mm, phiến lá hình trứng ngược dài 12 – 15cm, rộng 3 – 4cm, mép có khía hình răng cưa, có lông phủ cả 2 mặt.
- Cây trên 4 tuổi có hoa hình tán đơn, mọc giữa các lá và thẳng với thân cây. Mỗi tán có tới 60 – 100 hoa, cuống ngắn khoảng 1.5cm. Bông hoa có 5 cánh màu vàng nhạt, có nhị 5, lá đài 5 và 1 vòi nhuỵ.
- Quả mọc ở trung tâm tán lá, dài 0.8 – 1cm, rộng 0.5 cm, chuyển từ màu xanh đến xanh sẫm, sang vàng lục và màu đỏ cam có một chấm đến ở đỉnh quả khi chín. Trong mỗi quả chứa 1 hạt, nhiều quả chứa 2 hạt, trung bình mỗi cây có khoảng 10 – 30 quả.
Sâm Ngọc Linh ở đâu và phân loại sâm theo nguồn gốc xuất xứ
Cây sâm Ngọc Linh được phát hiện nhiều nhất ở miền Trung của Trung Bộ nước ta, nơi có độ cao trên 1.200m, đạt mật độ cá thể cao nhất nơi có độ cao trung bình từ 1.700 – 2.000m dưới tán rừng già. Cây sâm ưa thích mọc thành đám dày ở dưới tán rừng, dọc theo các con suối và trên nền đất ẩm nhiều mùn, nơi có nhiệt độ ban ngày từ 20 – 25 độ C, ban đêm khoảng 15 – 18 độ.
Cho đến thời điểm hiện tại, cả nước ta chỉ có 3 tỉnh có loại sâm quý này, căn cứ vào nguồn gốc xuất xứ mà người ta chia sâm thành nhiều loại khác nhau gồm có:
- Sâm Ngọc Linh Kon Tum: Được phát hiện nhiều nhất tại chân núi Ngọc Linh – Đăk Tô. Ngoài ra tại tỉnh Kon Tum còn phát hiện sâm ở các huyện Tu Mơ Rông và Đắk Giây.
- Sâm Ngọc Linh Quảng Nam: Phát hiện cây sâm ở núi Ngọc Lum Heo – huyện Phước Sơn, đỉnh núi Ngọc Am và huyện Nam Trà My.
- Sâm Ngọc Linh rừng: Là những cây sâm cực kỳ quý hiếm với tuổi sâm lâu năm, tìm thấy ở núi Langbiang – Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng, nơi có độ cao từ 1.500 – 2.000m.
- Sâm Ngọc Linh giống: Là giống sâm ứng dụng phương pháp nuôi trồng invitro với điều kiện tương đồng núi Ngọc Linh, được trồng chủ yếu ở Đà Lạt. Tuy nhiên loại sâm này cần nhiều thời gian để nuôi trồng, cây yếu và dễ bị bệnh, không giá trị bằng các loại sâm tự nhiên.
Ngoài Đà Lạt thì sâm Ngọc Linh trồng ở đâu nữa không? Hiện nay có một số xã, huyện thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã được cấp phép và hướng dẫn nuôi trồng cây sâm quý theo quy mô lớn. Do tương thích về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên giống sâm nuôi trồng tại đây đạt hàm lượng dưỡng chất khá tương đồng so với sâm rừng sinh trưởng tự nhiên.
Hãy là người đầu tiên nhận xét “Sâm Ngọc Linh”